1.000 nghệ nhân, diễn viên từ các Câu lạc bộ múa bát 8 huyện, thành phố và các em học sinh trong trang phục truyền thống của người Tày, cùng đạo cụ là đôi đũa và 2 chiếc bát đã mang đến cho người xem màn biểu diễn thực sự ấn tượng. Màn múa bát gồm 3 phần: Chập căn Bắc Kạn (Gặp gỡ Bắc Kạn); Pát thúa lỉn hội (Ngày hội múa bát) và Bắc Kạn bấư lừm (Bắc Kạn không quên).

Màn múa bát với sự tham gia của 1.000 người mở đầu cho Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Kạn 2024

Điệu múa bát bắt nguồn từ lao động sản xuất, tương truyền được mô phỏng theo động tác dệt vải của phụ nữ Tày xưa, được các mẹ, các chị khéo léo biến thành điệu múa truyền thống trong các dịp lễ, Tết và duy trì qua hàng trăm năm lịch sử. Những đôi tay đưa nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện sự duyên dáng, dịu dàng của những người phụ nữ vùng cao... Năm 2022, điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Du khách Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) bày tỏ: "Thấy thông tin có màn múa bát nên tôi cùng gia đình đã đến đây từ buổi sáng, đã tranh thủ đi xem các gian hàng OCOP ở đây và cũng tranh thủ mua làm quà. Tôi nghe nói về múa bát từ lâu rồi nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến, thực sự là rất đẹp, rất ấn tượng và tôi rất hài lòng khi đi du lịch Bắc Kạn”.

Điệu múa bát thể hiện sự duyên dáng, khéo léo của phụ nữ vùng cao

Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Kạn cùng lúc diễn ra trên địa bàn 4 huyện, thành phố gồm TP. Bắc Kạn, các huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Na Rì. Tại các địa phương sẽ có hàng loạt sự kiện quảng bá du lịch, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm OCOP, các hoạt động trình diễn văn hóa, thể thao truyền thống và quảng bá các sản phẩm du lịch mới.

Du khách có thể tham quan nơi Bác Hồ, các cơ quan Trung ương từng ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp tại Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn, đồng thời được trải nghiệm các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc gắn với Chợ đêm ATK Chợ Đồn; cùng đắm mình vào thiên nhiên hoang dã và chèo thuyền độc mộc, thuyền kayak trên hồ Ba Bể.

Màn múa bát gồm 3 phần: Chập căn Bắc Kạn (Gặp gỡ Bắc Kạn); Pát thúa lỉn hội (Ngày hội múa bát) và Bắc Kạn bấư lừm (Bắc Kạn không quên).

Du khách cũng có thể trải nghiệm lễ hội truyền thống “Chợ tình Xuân Dương” với không gian văn hóa hát Sli của người Nùng tại huyện Na Rì hay tham quan triển lãm mỹ thuật “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu” lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn… Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là gắn các hoạt động du lịch với những nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

Tham gia chương trình khai mạc còn có các tiết mục nghệ thuật, đặc trưng cho cộng đồng các dân tộc Bắc Kạn. Trong ảnh là điệu múa khèn của người Mông.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua Tuần văn hóa, thể thao, du lịch 2024 sẽ quảng bá các sản phẩm du lịch của Bắc Kạn đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi xây dựng các di sản văn hóa phi vật thể của Bắc Kạn như Múa bát của người Tày, hát Sli của người Nùng ở Xuân Dương… thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến với Bắc Kạn”.

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024 diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 3/5/2024.